Nuôi nhím: Đầu tư ít, lợi nhuận cao
Hiện nay chưa có một nghiên cứu nào, một sách hướng dẫn nào được biên soạn giúp người dân thêm kiến thức để nuôi các loài động vật hoang dã quí hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Vậy mà anh Nguyễn Ngọc Ẩn, một thương binh trong thời kháng chiến chống Mỹ hiện cư ngụ tại ấp Bàu Cạp xã Nhuận Đức (H. Củ Chi TP.HCM) đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại để nuôi nhím.
Nhiều người cứ cho rằng đây là một việc mạo hiểm. Nhưng không, anh Ẩn đã thành công, từ một cặp giống, nay đàn nhím của anh đã lên đến hàng chục con chỉ trong một thời gian ngắn...
Một chút cơ duyên
Tiếp chúng tôi trong gian chuồng trại vừa mới được nâng cấp, anh Ẩn, người trong địa phương quen gọi là Út Ẩn, vui mừng báo cho chúng tôi biết chỉ trong vòng một tháng nay, số nhím con của đàn nhím nhà anh đã tăng hơn 10 con. Anh cho biết trong suốt thời gian đi bộ đội, không ít lần anh đã ăn thịt nhím. Thịt nhím có mùi vị thơm ngon và nhất là bao tử nhím, một mặt hàng rất được ưa chuộng vì có dược tính khá cao. Sau khi về địa, phương tình cờ một hôm anh mua được 2 con nhím lớn. Chưa biết phải sử dụng những con nhím này ra sao, cũng chưa phân biệt được giới tính của từng con, anh nhốt chúng trong vuông chuồng heo, được vài hôm thì phát hiện có thêm 2 chú nhím con. Thế là ý định thuần hoá giống vật rừng này thành gia súc manh nha từ đó.
Theo anh Út Ẩn, việc nuôi nhím không khó. Ban đầu anh cho chúng ăn một số rễ cây đào được trong vườn. Nhưng đào rễ mãi cũng hết, anh bắt đầu cho chúng ăn các loại khoai củ, bầu bí, thậm chí có lúc anh cho ăn cả cơm. Chúng vẫn tăng trưởng nhanh và tiếp tục sinh sôi...
Sau gần hai năm nuôi nhím, bây giờ kiến thức chăn nuôi loài động vật này cũng được anh tích lũy thêm nhiều. Cơ ngơi của anh bây giờ là một dãy chuồng với 20 ô ngăn riêng lẻ từng cặp, đồng thời anh cũng đang có kế hoạch biến 1ha đất vườn để tiếp tục nhân rộng mô hình trang trại nuôi nhím giống và thịt.
Giá trị kinh tế cao
Cơ duyên đến với nhím thật tình cờ nên việc nuôi nhím của anh Ẩn cũng chỉ được thực hiện theo những hiểu biết riêng của mình. Chuồng trại hiện nay được anh xây dưới các tán cây râm mát bằng ximăng dài 20m rộng 6m, hai bên là hai dãy ô chuồng với kích thước 1m x 2m rào lưới B40 chung quanh, giữa có đường đi và phần cuối là kho thức ăn. Đã có nhiều người đề nghị anh nên nuôi chúng trên nền đất và thả chúng thành bầy như trong thiên nhiên nhưng anh giải thích nhím hay đào hang, hang rất sâu và ngoằn ngoèo. Vì vậy nếu nuôi trên nền đất, nhím dễ thoát ra ngoài và rất khó... truy tìm.
Theo dõi từ cặp nhím tình cờ mua được, anh Ẩn đã ghi chép lại qui trình sinh sản. Cặp nhím con đầu tiên khi lọt lòng khoảng 100gr. Sau 8 -10 tháng nuôi, nhím con đạt trọng lượng 8 -10kg/con và bắt đầu chịu đực phối giống. Cứ thế mỗi năm 2 lần, nhím mẹ tiếp tục đẻ từ 1 đến 2 nhím con cho mỗi lần sinh nở. Nhờ vậy, nhiều thế hệ nhím đã ra đời để đến hôm nay, đàn nhím của anh Ẩn đã lên đến hơn 50 con.
Nuôi nhím không đòi hỏi nhiều công sức và chi phí không cao. Anh Út Ẩn khẳng định như thế. Nguồn thức ăn rất chủ động, dễ tìm, dễ mua và có mua giá cũng rẻ. Nhím ăn ngày 3 bữa nhưng đặc biệt ăn nhiều về đêm. Thức ăn là các loại củ quả, ngũ cốc, rau xanh. Những thứ này ở nông thôn, ngoại thành đất rộng ai cũng có thể tự tạo thức ăn cho nhím. Về chuồng trại, chỉ cần giữ vệ sinh tốt, thông thoáng, đầy đủ ánh sáng, không khí. Chăm sóc nhím không cầu kỳ như heo, bò. Mỗi ngày quét dọn chuồng một lần. Trong quá trình nuôi nhím, anh Ẩn chưa hề thấy xảy ra một trường hợp đau bịnh nào. Vì vậy, anh Ẩn đi đến kết luận nuôi nhím rất kinh tế vì giá nhím giống hiện nay được bán ra từ 3 đến 5 triệu đồng một cặp. Riêng nhím thịt nếu nuôi tốt trong 1 năm có thể lên đến 15kg/con cũng đã có giá 150 ngàn/1kg hơi. Tuy nhiên, hiện còn đang trong thời ký phát triển để nhân rộng, anh Ẩn chưa chịu xuất chuồng một con nhím nào. Theo anh đến lúc lên hàng trăm con, mới có nhím xấu để bán thịt, nhím tốt bán giống và trao đổi với các nhà chăn nuôi khác một số nhím đực để tránh sự trùng huyết khi phối giống làm thoái hoá đàn nhím.
Sau gấu, nai, trăn, cá sấu đến nay nhím là một loài thú rừng được nuôi như gia súc. Ở Củ Chi, nhiều hộ khác như hộ ông Phạm Ngọc Tuân ở Bến Đình, bà Nguyễn Thị Mỹ ở Bình Mỹ và tại Hóc Môn, anh Trần Văn Thời (xã Thới Tam Thôn) đã sở hữu hàng trăm con nhím. Ước muốn của nhà chăn nuôi mong có được những ý kiến của các nhà khoa học giúp thêm kiến thức để hoàn thiện qui trình nuôi nhím.
Hầu hết những người nuôi nhím đều có một trăn trở chung là hiện nay pháp lệnh bảo vệ động vật hoang dã đang là rào cản cho việc phát triển đàn nhím trong nhân dân. Họ hy vọng sẽ có một hành lang pháp lý, cho phép những người nuôi nhím được vận chuyển, mua bán, trao đổi và thậm chí giết mổ thì qui mô phát triển ngành chăn nuôi mới mẻ độc đáo này mới có cơ hội lan đi khắp nơi